Marc Parent, người Pháp, là cha đẻ của phát minh Eole Water = hệ thống nhờ sức gió để biến không khí ẩm thành nước sạch. Phương châm của Eole Water là: "hãy cho tôi gió, tôi sẽ trả lại nước"! Nghĩa là độ ẩm trong không khí được máy tuốc-bin-gió ngưng tụ lại rồi biến thành nước nhờ một hệ thống làm lạnh trong tuốc-bin, và nước này chảy qua một bộ lọc rồi được giữ lại trong ống; sau đó chỉ việc mở vòi (rô-bi-nê) là có thể hứng được giòng nước sạch chảy ra. Hệ thống Eole Water có thể cung cấp 1000 lít nước mỗi ngày, giải quyết được vấn đề khan hiếm nước sạch ở nhiều quốc gia kém phát triển. Điểm đáng nêu là hệ thống Eole Water hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường và không cần đến năng lượng gì khác ngoài sức gió, nên chắc chắn sẽ là một giải pháp thực tiễn để phát triển lâu dài mà không hề tốn kém, nếu so sánh với các kỹ thuật (rất ô nhiễm cho môi trường) lọc nước biển thành nước tiêu dùng mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Và không chỉ cung cấp nước, hệ thống Eole Water còn sản xuất ra điện. Nói một cách khác, nếu không khí ban ngày khô và ban đêm ẩm thì Eole Water sẽ cung cấp xen kẽ vừa điện vừa nước. Nếu không đủ gió để các tuốc-bin hoạt động? thì cũng đã có kiểu Eole Water hoạt động bằng năng lượng mặt trời, hoặc bằng điện, hay bằng máy phát điện.
Dự định hiện nay của Marc Parent là tìm những người bảo trợ để có thể sản xuất hàng loạt các hệ thống Eole Water, phân phối cho những quốc gia đang gặp hạn hán, bên xứ Phi châu chẳng hạn, và những xứ không có đủ giếng nên không đủ nước (mà lại còn bị ô nhiễm nặng). Tuỳ theo kích thước to nhỏ mà giá tiền xê xích từ 10.000 đến 50.000 euros/ một cái tuốc-bin-gió; nhưng nếu sản xuất hàng loạt thì chắc chắn giá thành sẽ giảm.
Hoa kỳ, Ấn-độ và Úc châu, là những quốc gia vẫn bị hạn hán hàng năm, tỏ ra rất chú ý đến hệ thống Eole Water, tuy nhiên chưa thấy một hợp đồng nào được ký kết. Cả các hiệp hội từ thiện phi chính phủ NGO (non-governmental organization) cũng tỏ ý quan tâm đến Eole Water, nhưng cho biết chưa đủ tiền để "sắm"!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét